Ai mà hay đi du lịch khám phá các vùng đất ở Việt Nam mình thì chắc chắn sẽ có chung một quan điểm rằng, những điểm đến, những công trình ở Việt Nam không chỉ có vẻ đẹp của văn hóa, kiến trúc do con người tạo nên, mà còn có cả vẻ đẹp lịch sử. Bởi những công trình dưới đây ngoài kiến trúc đẹp thì tuổi đời cũng đã ngót nghét gần trăm năm.
Ga Đà Lạt
Ga Đà Lạt từ lâu đã nổi tiếng khỏi phải bàn cãi rồi. Ai đã đến "thành phố ngàn hoa" thì kiểu gì cũng phải ghé qua đây check-in một tấm hình mới được.
Nơi đây được xem là nhà ga tàu hỏa cổ đẹp nhất Việt Nam. Nhà ga được xây dựng từ năm 1932-1938, mang đậm nét kiến trúc phương Tây, với các khu vực như sảnh chính nơi đặt phòng bán vé, khu nhà dành cho nhân viên, sân ga với 3 đường ray có mái che toả ra hai bên.
Hiện tại, nhà ga vẫn đang trưng bày đầu máy hơi nước kiểu Pháp hơn 100 tuổi và đoạn đường ray răng cưa còn sót lại năm xưa. Đầu máy hơi nước bây giờ đã trở thành background sống ảo cực kỳ nổi tiếng, được các bạn trẻ check-in nhiều vô kể. Không những vậy, ga Đà Lạt chính là nơi duy nhất tại Việt Nam còn lưu giữ hai hiện vật này, và trên thế giới cũng chỉ có một số ít nơi sở hữu chúng thôi đấy.
Nhà cổ Bình Thủy
Đến Cần Thơ chắc ai cũng từng nghe nhắc tới căn nhà cổ với lối kiến trúc phương Tây đẹp nhất xứ Tây Đô này. Dù đã gần 150 tuổi, qua bao lần tu sửa, kiến trúc của nhà cổ Bình Thủy vẫn còn khá nguyên vẹn.
Nhà cổ trăm tuổi này nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, được xây dựng từ năm 1870 bởi gia đình họ Dương, với lối kiến trúc giao hòa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây. Lối dẫn vào nhà là 2 chiếc cầu thang hình cánh cung. Khi bước chân vào bên trong, bạn sẽ cảm nhận được ngay sự ấm cúng bởi hầu hết những vật dụng đều được làm bằng gỗ và gốm sứ cao cấp thời đó. Nếu có làm chuyến du lịch tới Cần Thơ, thì bạn nhất định phải ghé qua nhà cổ Bình Thủy một lần nhé.
Làng cổ Đường Lâm
Làng cổ Đường Lâm tọa lạc tại thị xã Sơn Tây, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 44 km. Cho đến hiện tại, ngôi làng vẫn giữ trọn vẹn những nét đẹp đặc trưng cơ bản của làng mạc Bắc Bộ. Đến đây, bạn như được quay trở về với những năm tháng nông thôn xa xưa, cùng hình ảnh cổng làng, bến nước, cây đa, sân đình,… quen thuộc. Ngoài việc thăm thú cảnh đẹp trong làng, bạn còn có cơ hội thưởng thức nhiều món ngon đặc sản của vùng nữa đó.
Bưu điện TP.HCM
Bưu điện thì ở đâu mà lại chẳng có, nhưng bưu điện TP.HCM thì lại chỉ có một mà thôi. Người ta không chỉ đến bưu điện để gửi nhận hàng hoá, thư từ mà còn chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, trang trọng này.
Được xây dựng từ năm 1886 - 1891, bưu điện nằm ở Công trường Công xã Paris, Quận 1, thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp. Kiến trúc của tòa nhà là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách phương Tây và phương Đông với cổng vòm tuyệt đẹp, chắc chắn khi bước vào bạn sẽ phải "wow" lên một tiếng cho xem. Đừng quên là nếu đã đến Bưu điện thì phải chụp choẹt vài quả ảnh sống ảo. Bưu điện lên hình cũng là "chất phát ngất" đấy nhé.
Cầu Long Biên
Nếu một ngày bạn nổi hứng muốn sống ảo thì background cầu Long Biên luôn luôn là lựa chọn tuyệt vời đó.
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, nối hai quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, do người Pháp xây dựng. Cây cầu này đã chứng kiến nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử. Cầu Long Biên sở hữu lối kiến trúc độc đáo với thiết kế một đường sắt đơn chạy giữa cầu, hai bên dành cho xe máy và người đi bộ.
Nhà thờ đá Sapa
Nếu đã ghé thăm Sapa thì bạn nhất định phải tấp qua Nhà thờ đá chụp thật nhiều kiểu ảnh nhé! Đây là một điểm check-in rất nổi tiếng ở "thị trấn mờ sương" đó.
Nhà thờ được xây dựng vào năm 1895 với địa thế ngay trung tâm thị trấn Sapa. Điểm hấp dẫn của nhà thờ là lối kiến trúc được thiết kế theo kiểu Gothic La Mã cổ, thể hiện rõ nét nhất ở mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn,… đều hình chóp tạo cho công trình sự bay bổng, thanh thoát. Đây cũng là một trong những công trình kiến trúc của Sapa thu hút được lượng lớn du khách đến tham quan.
Nguồn Tổng hợp
Có thể bạn sẽ thích những bài viết khác:
Bất Động Sản Việt Nam Vẫn Hấp Dẫn Nhà Đầu Tư Nước Ngoài
Lãi Suất Tiết Kiệm Thấp Kỉ Lục
Hơn 100 Cổ Phiếu Trên Sàn Không Có Người Mua Bán
0 Nhận xét